Internet Việt Nam không hề kém cạnh so với các quốc gia khác, thậm chí sánh ngang Google Fiber của Mỹ.
Internet cáp quang đã ngang Google Fiber
Kể từ khi Việt Nam chính thức kết nối với thế giới thông qua Internet, hệ thống mạng này đã có nhiều bước phát triển từ dial-up đến cáp đồng rồi cáp quang. Sự thay đổi lớn nhất đối với Internet Việt Nam là trong những năm gần đây, bao gồm xu hướng quang hóa toàn bộ hạ tầng và việc khai thác hệ thống vệ tinh riêng, đặc biệt các nhà mạng cũng “bắt tay” nhau để triển khai thêm các tuyến cáp quang biển mới.
Chính những sự đầu tư nói trên đã tạo ra nhiều “đại lộ” rộng mở cho tín hiệu số di chuyển “thần tốc” từ Việt Nam tới các châu lục, và ngược lại. Khi các hệ thống truyền dẫn hoàn thiện hơn cũng là lúc các nhà mạng ở Việt Nam tính tới phương án tăng tốc độ, nâng băng thông cho các gói Internet cáp quang (FTTH), cung cấp các gói dịch vụ siêu tốc độ… phục vụ kỷ nguyên vạn vật kết nối.
Kết quả kiểm tra tốc độ gói Internet 1Gbps đầu tiên tại Việt Nam.
Nhờ vậy, sau thời gian dài “dưới cơ” nhiều quốc gia phát triển thì Việt Nam cũng đã có gói Internet 1Gbps mà không thua kém bất kỳ nhà mạng nào trên thế giới, ngang bằng với Google Fiber. Mới đây nhất, nhà mạng FPT Telecom còn thông báo tăng tốc độ (không thu thêm cước) đối với các gói FTTH dành cho doanh nghiệp từ 33% đến gần 90%, trong đó, cao nhất là gói Diamond tăng lên 150Mbps (gần gấp 2 lần so với tốc độ cũ là 80Mbps). Nhà mạng này cũng thay thế thiết bị miễn phí đối với các trường hợp khách hàng sử dụng thiết bị thế hệ cũ để đảm bảo băng khả năng chịu tải băng thông mới lớn hơn.
Những sự nâng cấp nói trên được đánh giá là góp phần giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam sẵn sàng đi trước đón đầu cho cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chạy ổn định các ứng dụng công nghệ mới, như IoT, Cloud, ERP,... nhưng vẫn tối ưu được bài toán chi phí.
Các nhà mạng tại Việt Nam đang dần nâng cấp tốc độ các gói Internet. (Ảnh minh họa)
Tốc độ Internet trung bình tăng nhanh
Ngoài ra, tốc độ kết nối internet trung bình của người Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt và có mức tăng mạnh nhất khu vực. Theo báo cáo “State of the Internet Report” của Akamai, tính đến quý 1 năm 2017, tốc độ kết nối internet trung bình thực tế ở Việt Nam là 9,5Mbps, xếp thứ 58 trên thế giới, tăng 15% so với quý trước và tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái - đây là mức tăng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn tốc độ internet “đỉnh” trung bình ở Việt Nam là 59Mbps, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, và đây cũng là mức tăng cao nhất trong khu vực.
Việt Nam đứng thứ 58 trên thế giới về tốc độ internet trung bình thực tế.
Tỉ lệ IPv6 chưa cao
Về việc triển khai IPv6 để bắt kịp xu thế phát triển của mạng Internet, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) dẫn số liệu từ APNIC và Cisco, cho biết, tính đến tháng 7/2017, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt trung bình khoảng 7% và thời điểm cao nhất lên tới 25% với hơn 3,5 triệu người dùng IPv6, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 6 châu Á.
Còn so với thế giới, tỉ lệ thiết bị truy cập internet qua giao thức IPv6 trung bình của Việt Nam chưa cao. Theo Akamai, “top” 10 quốc gia có tỉ lệ triển khai IPv6 cao nhất hiện nay là: Bỉ (38%), Hy Lạp (25%), Mỹ (22%), Thụy Sĩ (21%), Trinidad và Tobago (21%), Đức (20%), Ý (17%), Estonia (16%), Brazil (13%) và Anh (13%). Việt Nam chưa được xếp hạng trong danh sách này.
Một buổi đào tạo về IPv6 cho đại diện các cơ quan nhà nước. (Ảnh: VNNIC)
“Mặc dù tỉ lệ triển khai IPv6 chung của quốc gia có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, đối với mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 còn rất thấp. Trong bối cảnh IPv6 trở thành giao thức Internet chính trên toàn cầu, việc chậm trễ trong triển khai ứng dụng IPv6 sẽ là điểm hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công và triển khai ứng dụng chính phủ điện tử”, VNNIC đánh giá.